top of page

Nỗi sợ thất bại - "Bi kịch" tuổi thơ

Nỗi sợ thất bại ở nhiều trẻ em ngày nay đang ở mức độ báo động. Cảm giác sợ hãi này khiến trẻ bị suy nhược tinh thần và lo lắng trước ngày kiểm tra, trước một trận đấu thể thao hoặc trước một phần trình diễn độc tấu. Điều này khiến con trẻ không thể hiện được hết khả năng, sợ không dám chấp nhận rủi ro, và cuối cùng, không bao giờ đạt được thành công trọn vẹn.


Nguyên nhân của nỗi sợ thất bại


Trẻ em tiếp nhận được quan điểm về thất bại tiêu cực này từ văn hóa trong cuộc sống hằng ngày. Văn hóa đại chúng ấy định hình thất bại là nghèo, là vô danh, bất lực, không nổi tiếng hoặc kém hấp dẫn về mặt thể chất. Còn trên truyền hình và phim ảnh, những người mọt sách thất bại, người thiếu sức hút, hay những vận động viên kém cỏi – thường bị trêu chọc, bị bắt nạt và bị từ chối trong nhiều phương diện. Với định nghĩa về thất bại này, văn hóa đại chúng đã tạo ra một thế hệ mang trong mình văn hoá sợ hãi và né tránh thất bại. Định nghĩa ấy đã tạo ra một “tuyên ngôn” cho trẻ em rằng nếu chúng thất bại, chúng sẽ bị các bạn đồng trang lứa tẩy chay và bị gán cho là kẻ thất bại suốt đời!


Cha mẹ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn


Nhiều bậc cha mẹ cũng rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng mạnh về định nghĩa thất bại từ văn hóa đại chúng. Họ đã cộng dồn tác động tiêu cực mà thất bại có thể gây ra cho trẻ em bằng cách kết hợp tình yêu thương và sự chấp thuận của cha mẹ với nỗi thất bại ấy. Thông điệp mà bọn trẻ nhận được là "Mẹ không yêu con nếu con bị điểm kém đâu đấy." Và rồi tụi nhỏ lại coi thất bại là một mối đe dọa đối với chỗ đứng của con trong xã hội và trong cuộc sống.


Nỗi tủi hổ từ việc thất bại


Không có sự kỳ thị nào trong văn hóa đại chúng tệ hơn là việc bị gán cho là kẻ thất bại. Sự phân biệt trong văn hoá này đã quá phổ biến và lâu dài. Được dịch lại từ một câu nói nổi tiếng nhưng có phần sáo rỗng của huấn luyện viên bóng đá Vince Lombardi, rằng việc bị gọi là kẻ thua cuộc thì còn tệ hơn cả cái chết vì ta phải sống chung với cái mác đó cả đời.


Tránh thất bại


Trẻ con học được rằng chúng có thể né tránh thất bại theo ba cách sau đây:


  1. Trẻ em không tham gia vào một hoạt động mà chúng sợ thất bại. Con trẻ nghĩ rằng nếu chúng không tham gia, chúng sẽ an toàn khỏi thất bại. Chấn thương, đau ốm, trang thiết bị kém chất lượng, bị quên hoặc mất dụng cụ, không thích hoặc không có động lực rõ ràng, hoặc chỉ đơn giản là từ chối tham gia là những cách phổ biến mà con có thể dùng để né tránh thất bại và duy trì lòng tự trọng cá nhân và xã hội của mình.

  2. Trẻ em cũng có thể tránh thất bại bằng cách viện cớ và lấy lí do như ​​“Con đã có thể làm tốt, nhưng con không thích” hoặc “Con làm cũng ổn, nhưng là do thầy cô thiên vị bạn A”. Bởi vì thất bại không phải do lỗi của con, con cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì hết và văn hóa đại chúng cũng như cha mẹ sẽ tiếp tục chấp nhận và yêu thương con.

  3. Phần lớn trẻ sẽ phải làm một việc mà dù có lí do gì đi nữa thì con cũng vẫn phải làm, đó là trẻ em không thể không đi học. Vì vậy, một cách khác mà tụi nhỏ có thể tránh thất bại là tiến càng xa thất bại càng tốt bằng cách trở nên thành công. Nhưng những đứa trẻ được định hướng là phải tránh thất bại lại bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng giữa thất bại và thành công thực sự, cái mà chúng ta gọi là "vùng an toàn". Ở nơi này, mối đe dọa về thất bại bị loại bỏ, chẳng hạn như con có điểm trung bình 8.0/10 hoặc nằm trong top 10 trong môn thể thao con thích, nhưng con không muốn bỏ thêm nỗ lực hay cố gắng để đạt được thành công trọn vẹn.


Nghechame, NghechameIEG, Nghề Cha Mẹ IEG Global, Tổ chức Giáo dục IEG Global #1 Cha mẹ hiện đại lo sợ con cái thiếu giá trị riêng #2 Sử dụng các tiện ích hiện đại là một công cụ, không phải là một cách sống Là một bậc phụ huynh hiện đại, tôi còn là một nhà tâm lý học trẻ em, do đó đã có cơ hội làm việc cùng rất nhiều phụ huynh.

Giá trị của thất bại


Thất bại là một phần tất yếu và không thể nào tránh khỏi của cuộc sống. Thất bại có thể giúp con củng cố thêm động lực để vượt qua những trở ngại đã gây ra những thất bại kia. Nó cho trẻ thấy chúng đã làm gì sai để có thể sửa chữa vấn đề tương tự trong tương lai. Thất bại kết nối hành động của con với hậu quả từ những hành động đó, giúp con làm chủ những nỗ lực của mình. Thất bại dạy con các kỹ năng sống quan trọng, chẳng hạn như cam kết, kiên nhẫn, quyết tâm, ra quyết định và giải quyết vấn đề. Nó giúp trẻ phản ứng tích cực với sự thất vọng mà con có thể sẽ phải trải qua khi theo đuổi mục tiêu của mình. Thất bại cũng dạy cho trẻ sự khiêm tốn và biết trân trọng những cơ hội mà con được trao.


Tất nhiên, thất bại quá nhiều hẳn sẽ khiến trẻ nản lòng, ai cũng vậy. Thành công cũng đóng vai trò cần thiết cho khả năng thúc đẩy động lực, xây dựng sự tự tin, củng cố nỗ lực và tăng sự thích thú. Khi theo đuổi mục tiêu cuộc sống, con sẽ phải trải nghiệm cảm giác cân bằng lành mạnh giữa thành công và thất bại để có thể nỗ lực hết mình.


Xác định thất bại


Để bảo vệ trẻ khỏi cách nhìn nhận tiêu cực này về thất bại từ văn hoá đại chúng, hãy cung cấp cho con những định nghĩa tích cực. Cha mẹ nên định nghĩa thất bại theo cách có thể khuyến khích bọn trẻ trân trọng hơn là sợ hãi nó.

  1. Thất bại là không sống đúng với giá trị của chính mình. Khi trẻ gian lận, nói dối, hoặc không chịu trách nhiệm về bản thân và những gì mình làm thì tức là con đã thất bại.

  2. Khi con hiểu sai định nghĩa về thành công trong cuộc sống, quá quan tâm đến sự nổi tiếng hay vẻ bề ngoài, thì tức là con thất bại.

  3. Thất bại nghĩa là con không nỗ lực hết mình, đưa ra quyết định kém và không làm những gì con thực sự đam mê, thích thú.

  4. Khi trẻ em tìm cách né tránh, bị ảnh hưởng bởi áp lực từ bạn bè và hành động theo những cách có thể làm tổn thương chính mình, thì con đã thất bại.

  5. Thất bại cũng có nghĩa là đối xử tồi tệ với người khác và không biết đền đáp gia đình và cộng đồng. Khi trẻ em ích kỷ, không quan tâm và không tôn trọng thế giới mà con đang sống, thì con sẽ thất bại.


Cho trẻ định nghĩa về thất bại mà trong đó nỗi sợ hãi được hoá giải sẽ giúp giải phóng con khỏi nỗi sợ hãi ấy. Điều này cũng giúp tụi nhỏ biết phấn đấu để đạt được thành công, để khám phá, chấp nhận rủi ro và mạnh mẽ theo đuổi ước mơ của mình. Trẻ em sẽ hiểu được từ trong thâm tâm rằng một số thất bại là bình thường và hoàn toàn không cần phải có cái nhìn tiêu cực về bản thân. Và sau cùng thì thất bại cũng sẽ giúp con đạt được thành công, dù ta có định nghĩa nó thế nào đi chăng nữa.


* Nguồn: Psychology Today

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


bottom of page