Thế giới đang ngày càng “căng thẳng”, rõ ràng rằng sức khỏe tinh thần và khả năng phục hồi tâm lý ngày càng cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt với cả trẻ nhỏ.
Với tương lai của con, dù là học tập hay công việc, có một sức khỏe tinh thần đủ vững vàng chính là chìa khóa để con vượt qua khó khăn.
Đôi khi có những lúc ba mẹ vô tình làm con trở nên mong manh dễ vỡ, hãy cùng với IEG Global và nghechameIEG điểm qua một số sai lầm để chúng ta cùng nên tránh:
1, Xem thường cảm xúc và những vấn đề mà con gặp phải
Con cần phải biết rằng việc chia sẻ, bày tỏ cảm xúc là một thói quen nên có và lành mạnh giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của con. Khi bố mẹ hay “quen miệng” nói với con những điều như: “có gì đâu mà phải buồn”, “chuyện đấy mà con cũng phải buồn!” – điều này vô tình đang cho con một thông điệp rằng cảm xúc không quan trọng và hãy che giấu nó đi, đừng làm lớn chuyện.
Nếu con đang cố gắng bày tỏ những nỗi sợ mà con đang có, hãy nói với con rằng “Ba/mẹ biết con đang lo lắng”, “Ba/mẹ luôn ở đây để lắng nghe con, làm thế nào để con thấy dễ chịu hơn”. Điều này, một phần ba mẹ đang học cách lắng nghe con, một phần cũng đang giáo dục con quản trị được cảm xúc và các vấn đề của mình. Mục đích lớn nhất là giúp con tự tìm ra các giải pháp cho đến khi các giải pháp đó thực sự hiệu quả với chính con.
2, Bảo vệ con một cách cực đoan trước những sự thất bại
Là ba mẹ, ai mà không muốn con mình luôn được vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng điều này lại hoàn toàn khác với việc khăng khăng bảo vệ và ngăn cản con làm nhiều thứ vì sợ con sẽ thất bại. Nhưng ba mẹ hãy nghĩ khác đi một chút, đổi góc nhìn để thấy rằng những thách thức và thất bại là cần thiết cho con trong việc trui rèn và tăng “sức đề kháng” cho con.
Thất bại là một phần của thành công. Nếu các con không bao giờ có cơ hội nếm trải thất bại để học từ đó thì các con sẽ không bao giờ trưởng thành, hoặc sự trưởng thành đó sẽ rất chậm và yếu ớt. “Thất bại là mẹ thành công”, học được cách vực dậy bản thân sau những thất bại, biết được mình đã học được bài học gì sau thất bại đó mới chính là điều quan trọng.
3, Nuông chiều con quá mức
Con trẻ luôn thích và muốn nhiều thứ, đặc biệt là những món quà từ ba mẹ. Nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, khi ba mẹ cho con tất cả những gì mà con muốn chính là lúc chúng ta phá huỷ sự kỷ luật và tinh thần tự lập của con.
Ba mẹ cần cho con hiểu thằng việc con trưởng thành và phát triển sẽ mang lại cho con nhiều điều mà con muốn – chỉ khi con phải bắt tay vào làm việc. “Muốn ăn phải lăn vào bếp” chính là vì thế! ba mẹ cần dạy con học cách kiểm soát và quản lý những mong muốn của con bằng cách đặt ra những điều kiện nhất định, ví dụ như phải làm bài tập đầy đủ vì đó là trách nhiệm của con, giúp cả nhà dọn dẹp vệ sinh hoặc giúp đỡ mọi người… thì con có thể mua những thứ mà con muốn, bằng chính tiền tiết kiệm của con.
4, Kỳ vọng sự hoàn hảo phi thực tế
Thật ra, cũng tự nhiên thôi nếu ba mẹ mong muốn con mình đạt được những thành tựu lớn lao trong cuộc sống, con mình phải là nhất, con mình phải trở thành một dạng “con nhà người ta”. Tuy nhiên, không phải mong muốn kỳ vọng nào của ba mẹ cũng cần thiết, hợp lý và có ích cho con. Thậm chí những mong muốn đó còn có “tác dụng phụ” đến sự phát triển của con.
Ba mẹ cần xây dựng sức mạnh tinh thần của con trẻ bằng việc thiết lập những kỳ vọng và mong muốn xuất phát từ cả hai phía một cách hợp lý và khả thi. Thậm chí, trong trường hợp các con không thể đạt được mức kỳ vọng đó thì cũng không sao cả, vì ít nhất các con cũng học được rất nhiều từ sự thất bại, đó là bước đầu tiên để chuẩn bị cho con thành công trong lần tới.
5, Mong muốn con luôn được thoải mái
Cuộc sống luôn có nhiều thứ làm chúng ta không thoải mái và các con cũng thế, đặc biệt là khi trải nghiệm những điều mới mẻ như: vào một môi trường mới, kết bạn mới, chơi một môn thể thao mới… Nhưng cũng như những thất bại trong đời, việc tri nhận những khoảnh khắc không thoải mái đó càng giúp chúng ta trui rèn sức khỏe tinh thần và khả năng chịu đựng, sự kiên trì của con.
Hãy khuyến khích con trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Giúp con đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình đó, vì bắt đầu luôn là bước khó nhất. Và hãy yên tâm, khi con bắt đầu rồi thì có thể con sẽ nhận ra… điều đó cũng dễ dàng mà!
6, Không đặt ranh giới cho mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái
Ba mẹ muốn con tự đưa ra quyết định đời mình, nhưng con trẻ cũng cần biết ba mẹ là người hướng dẫn con. Ví dụ, nếu bạn đặt giờ giới nghiêm cho đứa con 12 tuổi của mình, hãy đảm bảo rằng bạn đủ nghiêm túc và nghiêm khắc để con luôn tuân thủ theo.
Con trẻ đã có sẵn sức mạnh tinh thần thường có sự đồng hành của ba mẹ – những người hiểu được tầm quan trọng của những ranh giới và sự nhất quán trong giao tiếp với con.
7, Ba mẹ quên luôn chăm sóc chính mình
Khi chúng ta càng lớn lên thì càng khó trong việc duy trì những thói quen lành mạnh, ví dụ như ăn uống đủ chất, đúng giờ, tập thể dụng thường xuyên hay dành thời gian để tái tạo năng lượng. Đó chính là lý do vì sao những ba mẹ như chúng ta phải là một hình mẫu cho con trong việc xây dựng những thói quen lành mạnh, tích cực.
Quan trọng hơn cả là chúng ta hãy cố gắng thực hành những thói quen lành mạnh đó cùng với các con. Ví dụ, nếu cha mẹ đang áp lực trong công việc, hãy chia sẻ với con cách mà cha mẹ đối diện với áp lực đó bằng cách tìm một khoảng thời gian và không gian để thư giãn bằng một ly trà và một quyển sách hay.
*Nguồn: CNBC - Make it
*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global
Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global
Comments