top of page

Áp lực đồng trang lứa và cách đối diện

Áp lực đồng trang lứa là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà các con thuộc lứa tuổi vị thành niên hay phải đối diện. Thời gian này, các con sắp hoặc đang bước vào độ tuổi dậy thì. Đây là quá trình dẫn tới nhiều thay đổi về thể chất cũng như tâm sinh lý của con và rất cần sự hỗ trợ từ người lớn. Trong bài viết này, Nghề Cha mẹ sẽ chia sẻ một số phương pháp để cha mẹ có thể đồng hành cùng con vượt qua áp lực đồng trang lứa trong độ tuổi thanh thiếu niên.


Áp lực đồng trang lứa là gì?

Áp lực đồng trang lứa (tiếng Anh: peer pressure) là hiện tượng xảy ra khi cá nhân chịu ảnh hưởng bởi những người thuộc cùng độ tuổi, năng lực hoặc địa vị xã hội và hình thành những thái độ, niềm tin hay hành động dựa theo những ảnh hưởng đó. Một vài biểu hiện của áp lực đồng trang lứa bao gồm tuân theo những quy chuẩn của tập thể hay thay đổi quan điểm cá nhân để phù hợp với số đông và được chấp thuận bởi tập thể.


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Tại sao các con ở độ tuổi vị thành niên dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa?


  1. Những thay đổi của não bộ trong quá trình phát triển

Vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) là một vùng của não bộ phụ trách các chức năng bậc cao như việc đưa ra quyết định cũng như việc kiểm soát các hành vi nhất thời. Thông thường, vùng vỏ não trước trán sẽ phát triển hoàn thiện ở độ tuổi 25. Điều này cũng có nghĩa, ở lứa tuổi dậy thì, não bộ phát triển chưa đủ toàn diện để các con đủ khả năng hình thành những suy nghĩ thấu đáo. Nói theo cách khác, các con sẽ có xu hướng bộc lộ nhiều hành vi mang tính rủi ro cao do các con chưa thể thấu hiểu đầy đủ những hậu quả gây ra bởi các hành động của mình. 


  1. Mong muốn được chấp nhận bởi cộng đồng xung quanh

Độ tuổi thiếu niên cũng là quãng thời gian các con bắt đầu mở rộng thế giới quan và hình thành những bản sắc cá nhân thông qua việc tiếp xúc ngày càng nhiều với những yếu tố trong môi trường xã hội. Do nhu cầu muốn được chấp thuận bởi cộng đồng hoặc tập thể, các con sẽ có xu hướng làm theo số đông hoặc thực hiện những hành vi mà con nghĩ sẽ giúp con được chấp nhận bởi mọi người.


  1. Sự thiếu tự tin

Khi trải qua cảm giác mông lung hoặc ngờ vực về bản thân, các con thường có xu hướng nhìn vào bạn bè xung quanh để tìm sự công nhận cho bản thân mình. Điều này có thể khiến con tham gia vào những hoạt động mà thông thường con sẽ không làm để đổi lấy sự chấp nhận từ bạn bè và lấp đầy cảm giác thiếu tự tin ở bản thân mình.


Những ảnh hưởng từ áp lực đồng trang lứa 

Áp lực đồng trang lứa có thể gây ra những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực lên các con. Xét về khía cạnh tích cực, các con có thể trở nên hòa đồng và gắn bó khăng khít hơn với cộng đồng của mình. Mặt khác, con cũng có thể thực hiện những hành vi thiếu lành lạnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái thể chất cũng như tinh thần của con. Một vài hệ lụy của áp lực đồng trang lứa có thể kể đến như:


  1. Những thay đổi bất thường trong hành vi và thái độ

Khi mong muốn hòa mình vào tập thể tăng lên, các con có thể hình thành những thói quen không lành mạnh hay thực hiện những hành vi bản thân không mong muốn chỉ để nhận được sự chấp thuận từ mọi người xung quanh. 


  1. Ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần và thể chất

Căng thẳng, lo âu hay trầm cảm đều có thể xuất hiện nếu con cảm thấy áp lực phải chạy theo những chuẩn mực chung của xã hội để không cảm thấy bị lạc lõng. Nếu luôn ở trong tình trạng này, con sẽ rất khó dành thời gian để nghỉ ngơi cũng như tạo không gian riêng để suy ngẫm và chiêm nghiệm những mong muốn thực sự của bản thân. Con sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bị mắc kẹt và cảm thấy ngột ngạt khi không có đủ tự do để khám phá con người mình. 


  1. Ảnh hưởng đến kết quả học tập

Áp lực đồng trang lứa có thể khiến con ưu tiên dành năng lượng vào việc tìm kiếm sự chấp nhận từ bạn bè thay vì tập trung vào việc học trên lớp. Kết quả học tập của con có thể bị ảnh hưởng nếu con không dành đủ sự tập trung trong quá trình học tập của mình. 


Làm thế nào để giúp con giảm nhẹ áp lực đồng trang lứa?


  1. Khuyến khích giao tiếp cởi mở và chân thành

Cha mẹ hãy tạo một không gian an toàn để cho con có thể thoải mái chia sẻ về những trải nghiệm, băn khoăn hay bất kì đề tài nào con thấy hứng thú. Điều quan trọng là cha mẹ hãy thật sự lắng nghe con thay vì đưa ra bất kỳ sự đánh giá nào. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều, đặc biệt trong trường hợp con đang cảm thấy bế tắc hoặc lạc lõng. Xây dựng mối quan hệ bền vững với con giúp tạo sự tin tưởng để con luôn cảm thấy an tâm khi luôn có cha mẹ làm chỗ dựa vững chắc cho mình.


  1. Tham gia các hoạt động lan tỏa lòng yêu thương

Lan tỏa tinh thần yêu thương là cách để xây dựng sự tôn trọng, thấu hiểu và lòng tử tế hướng tới người khác. Cha mẹ có thể:

  • Khuyến khích con tham gia các hoạt động con có sự tò mò và yêu thích thay vì lựa chọn các hoạt động dựa theo độ phổ biến trong cộng đồng bạn bè của con

  • Gợi ý các hoạt động thiện nguyện hay phục vụ cộng đồng để con khám phá. Các hoạt động này sẽ giúp khơi dậy lòng cảm thông cũng như tinh thần trách nhiệm trong con

  • Hướng dẫn con sử dụng các dịch vụ khám sức khỏe hoặc tư vấn tâm lý khi con đang trải qua những vấn đề gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần 

Thông qua những trải nghiệm này, con học cách xây dựng lòng trắc ẩn và tìm kiếm được những cộng đồng có thể mang lại niềm vui và sự quan tâm cho mình. Như vậy, con sẽ ít tham gia vào những hoạt động mang tính rủi ro hơn.


  1. Khuyến khích con nuôi dưỡng cá tính riêng 

Rất nhiều con trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn cũng như tìm được những người bạn mà con cảm thấy thoải mái được là chính mình khi ở bên. Vì vậy, các con thường cảm thấy áp lực phải che dấu một phần con người mình để có thể hòa nhập được với bạn bè. Tuy nhiên, nếu thầy cô và cha mẹ tạo được môi trường giúp con cảm thấy thoải mái thể hiện con người mình, con sẽ dần phát triển tự tin và đưa ra những quyết định dựa trên mong muốn của bản thân thay vì phụ thuộc vào ý kiến của người khác.


Cha mẹ hãy để con tự do khám phá bản thân mình và tìm ra những sở thích cá nhân, năng lực đặc biệt cũng như các nét cá tính riêng của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng không nên đặt bất cứ sự kỳ vọng nào lên con hay so sánh con với bạn bè đồng trang lứa. Không gò ép, không áp đặt. Hãy để con có không gian để tìm tiếng nói riêng của mình. Khi đã phát triển nội tại mạnh mẽ, con sẽ không còn bị chi phối bởi những những tiếng nói từ thế giới xung quanh nữa.



*Nguồn: UNIS Hanoi

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

bottom of page