top of page

Sức mạnh của những câu hỏi



Khi còn bé, con gái lớn của chúng tôi - Amanda - thường đứng ở trong cũi và nhón chân nhìn ra ngoài. Với một tay bám lên thành cũi, tay còn lại chỉ vào các đồ vật trong phòng, con bé hỏi


“Tia nà chì ạ?”
“Kia là gì ạ?” Tôi nhắc lại, đưa mắt theo hướng nhìn của con bé. “Ồ! đó là tủ quần áo đó con”
Còn tia nà chì ạ?
Đó là chú vịt lớn
Đây là mẹ này!
Còn đây là bố đấy!

Trò chơi cứ tiếp diễn như vậy, dường như không biết mệt mỏi, điệp khúc câu hỏi của Amanda cứ vậy chẳng hề thay đổi. Tôi và chồng mình - Jason - sẽ đưa mắt theo ánh nhìn của con bé sau đó đưa ra câu trả lời.


Trong các tương tác “Serve - and - return” tạm dịch “Tương tác và Phản hồi” như thế này, quả bóng đàm thoại được chuyền qua lại liên tục giữa trẻ và cha mẹ. Việc thực hiện những trao đổi như vậy không chỉ dạy cho trẻ về thế giới xung quanh, mà quan trọng không kém, còn giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn quan tâm và dõi theo con.


Khi còn nhỏ, bản năng tự nhiên của trẻ chính là tìm đến cha mẹ để tìm lời giải đáp cho những điều mà mình không biết. Bởi vậy, cha mẹ rất dễ rơi vào “chiếc bẫy nuôi dạy con cái” và hình thành thói quen ngay lập tức đưa ra lời giải đáp hoặc đáp ứng con mà không ngần ngại hay giải thích gì thêm.


Tuy nhiên ngay cả trẻ mẫu giáo cũng có khả năng tự mày mò để tìm ra câu trả lời. Trên thực tế, trong quá trình trưởng thành, điều quan trọng nhất là để con tự tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi hay vấn đề của bản thân. Kỹ thuật này được gọi là “Self explanation” tạm dịch “Tự giải nghĩa”.


Một ví dụ đơn giản, khi con cái đang gặp khó khăn trong việc giải một bài toán, theo lẽ tự nhiên cha mẹ sẽ “giải cứu” bằng cách chỉ luôn cho con lỗi sai và cách làm. Đừng làm như vậy. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng gợi ý những câu hỏi khiến con phải tự hỏi bản thân và tư duy thêm


Tại sao đáp án trong phần bài giải lại là 5? Mình đã tính thế nào mà lại ra kết quả khác nhỉ?

Tháng trước, khi tôi đi thỉnh giảng ở lớp học của một đồng nghiệp, tôi đã liên tục đưa ra hết từ định nghĩa này đến giải thích nọ. Đồng hồ đã điểm, và tôi muốn tóm tắt tất cả những gì tôi biết về sự tương quan giữa tính bền bỉ và thành công cho học sinh. Sau buổi học, đồng nghiệp của tôi đã gợi ý cho tôi một phương pháp khác để tôi có thể áp dụng cho bài giảng tiếp theo của mình. Anh ấy nói rằng lẽ ra tôi có thể mở đầu bài giảng với một câu hỏi,

Theo các em mọi người phải làm thế nào để thành công?

Và rồi im lặng chờ đợi, kiên nhẫn, để học sinh tự tư duy và đưa ra câu trả lời. Điều này sẽ giúp học sinh hình thành khả năng tư duy để so sánh và đối chiếu ý kiến ​​của các em với giáo viên. Và bài giảng sẽ là một cuộc đối thoại, chứ không phải buổi độc thoại.


Nghiên cứu cho thấy rằng cho dù học sinh có chia sẻ câu trả lời với bạn cùng lớp hay không, quá trình tự tư duy để tìm ra câu trả lời vẫn có tác động rất lớn tới năng lực học tập của trẻ ở mọi môn học và cấp lớp.

ĐỪNG vội vã can thiệp hay trợ giúp khi con gặp vấn đề khiến con phân vân. Tư duy của con sẽ phát triển tốt hơn từ việc tự mày mò, tìm kiếm câu trả lời trước khi hỏi người khác.


HÃY làm gương về kỹ thuật “Tự giải nghĩa”, để con hiểu cách học từ những khó khăn và thách thức. Cụ thể, khi bạn lỡ làm sai một điều gì đó, hãy cười và hỏi con, “Ba/mẹ đã làm sai ở đâu vậy nhỉ?”


“Tự giải nghĩa”, theo một nghĩa nào đó, là một cuộc đối thoại qua lại giữa những người trong cuộc. Kia là gì vậy ạ? Tại sao lại như vậy ạ? Đợi đã, đừng trả lời vội! Con muốn được tự suy nghĩ trước đã!


* Nguồn: Character Lab

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG


27 lượt xem
bottom of page