top of page

Trở thành cha mẹ "tỉnh thức" (phần 1)

Với nhiều cha mẹ bận rộn, việc cân bằng giữa nhiều trách nhiệm khác nhau thực sự là một thách thức lớn. Có rất nhiều công việc cần thực hiện như chuẩn bị cho một ngày mới, vệ sinh cá nhân, ăn trưa, đón con từ trường về nhà (để con không trở thành người muộn nhất được đón), chuẩn bị bữa tối, tập thể dục thể thao, trong khi vẫn phải làm một công việc toàn thời gian. Chúng ta vừa cố gắng tổ chức những sự kiện quan trọng, vừa tận hưởng những khoảnh khắc bình dị hơn, và kết quả là thời gian biểu trở nên dày đặc tới nỗi cha mẹ không còn chút quỹ thảnh thơi nào.


Tuy nhiên, cha mẹ tỉnh thức (mindful parenting) không phải là việc trở thành những người cha mẹ hoàn hảo hay phải túc trực và quan tâm tới con 24/7. Cha mẹ tỉnh thức cũng không phải là việc nuôi dạy một đứa con trở nên hoàn hảo. Có 4 từ khoá để cha mẹ có thể bắt đầu thực hành sự chú tâm trong việc nuôi dạy con. Trong bài viết này, Nghề Cha Mẹ sẽ giới thiệu hai từ khoá đầu tiên. Cha mẹ cùng tham khảo nhé!


Sự hiện diện - Presence


Điều gì đang ngăn cản cha mẹ khỏi việc sống trong hiện tại?

Đó có thể là các email, tin nhắn điện thoại, cái bụng đói, sự mệt mỏi, công việc nhà chồng chất, cũng như ý thức về quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại dành cho bản thân, …

Để cha mẹ thực sự thực hành việc sống chánh niệm, cha mẹ cần thiết lập sự ưu tiên trong cuộc sống của mình. Ta cần hiểu những giá trị quan trọng với mình, xác định những điều phải làm bằng được, cũng như những điều mình có thể thoả hiệp và để sang lần tới. Từ đó, cha mẹ có thể lên kế hoạch quyết tâm thực hiện những điều phải làm, và ý thức rằng đó là những cơ hội ta được sống trong hiện tại. 

Các con cần sự quan tâm từ chúng ta. Chúng cần cha mẹ luôn sẵn sàng về mặt cảm xúc. Nhưng liệu cha mẹ có thể kết nối với con hay không nếu lúc nào ta cũng bị xao nhãng bởi điện thoại di động, vội vã thu xếp bàn ăn, hay nghĩ về đống email cần phải giải quyết? Có lẽ là không. Khi chúng ta nghĩ về việc sống trong hiện tại, cha mẹ hãy lưu ý về những trạng thái nội tại của mình. Để thực sự hiện diện với con, cha mẹ hãy tập cảm nhận suy nghĩ và cảm xúc của mình ngay lúc này, thay vì bủa vây tâm trí mình với bao la công việc ngoài kia.


Vì vậy, cha mẹ có thể đặt mục tiêu dành tối thiểu 20 phút để chơi với con. Đây phải là 20 phút cha mẹ cần tập trung cao độ và không bị xao nhãng bởi bất cứ điều gì. Thay vì giao tiếp với nhau với vai trò cha mẹ và con cái, hãy chỉ tận hưởng cảm giác vui vẻ và nô đùa cùng con. Hãy rũ bỏ việc làm cha mẹ và trở thành một đứa trẻ để chơi với con.


Khi thực hành việc sống trong hiện tại, chúng ta cần bỏ lại những kỳ vọng về việc những giây phút dành cho con trông sẽ tuyệt vời như thế nào trên mạng xã hội. Cha mẹ hãy từ bỏ việc thể hiện bản thân mình là những người cha mẹ hoàn hảo như thế nào. Các con sẽ không để tâm đến việc đó. 


Việc sống trong hiện tại sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta đang ở trong trạng thái căng thẳng, bị lạc lối trong mớ cảm xúc hỗn loạn, hoặc cảm thấy mình phải tận hưởng việc dành thời gian với con cái. Các con cần sự quan tâm của chúng ta. Chúng cần sự gần gũi về mặt cảm xúc với cha mẹ. Và yếu tố tiên quyết để xem con có thể làm chủ cảm xúc của mình là việc cha mẹ đủ mở lòng để con cảm thấy an toàn và kết nối về mặt cảm xúc hay không.


Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global

Sự tự nhận thức - Self-awareness


Cha mẹ có biết điều gì làm mình căng thẳng không? Với một số cha mẹ, trị liệu tâm lý, thiền định và tập yoga có thể giúp việc đối diện với căng thẳng trở nên dễ chịu hơn. Các liệu pháp này có còn giúp nâng cao nhận thức về các căng thẳng tồn dư qua nhiều thế hệ, ảnh hưởng của chúng lên các mối quan hệ cũng như khi nào cơ thể của ta vượt ngưỡng chịu đựng.


Cha mẹ có biết vì sao mình bị kích động bởi hành vi của con không? Vì sao chúng ta lại phản ứng theo một cách nhất định? Cha mẹ có đủ hiểu về những yếu tố căng thẳng, các niềm tin gây giới hạn, sang chấn tâm lý liên thế hệ, kỳ vọng của xã hội hay những cảm giác bất an để giải thích cho những phản ứng của mình hay không? 


Nhiều cha mẹ vẫn chưa thể làm được điều này. Sau đây là một cách để ta trở nên tò mò hơn: hãy hỏi “tại sao?” 5 lần. Một khi chúng ta hiểu được tại sao mình lại phản ứng hay rơi vào một trạng thái cảm xúc nhất định, ta sẽ bắt đầu quan sát diễn biến tinh thần và hành vi của bản thân bằng sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn thay vì sự đánh giá. Sự trắc ẩn sẽ giúp ta thả lỏng và nhìn nhận hành vi của mình với thái độ công tâm nhất.  

 

Đối với những cha mẹ hay nhạy cảm, chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài hay bị lạc quá sâu vào cảm xúc của con. Tệ hơn, cha mẹ có thể tự giả định và suy nghĩ quá nhiều về những sự việc đã kết thúc từ rất lâu.


Tuy vậy, chúng ta vẫn cần tách mình ra khỏi hành vi và cảm xúc của con. Việc có ý thức và gọi tên những trải nghiệm của bản thân sẽ khác nhiều so với việc dán nhãn những trải nghiệm của con cái mình. Nếu cha mẹ có thể quan sát hành vi của con mà không phán xét thì cha mẹ hoàn toàn có thể làm vậy với các con. 



*Nguồn: Reset Brain and Body

*Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG Global

Nghechame NghechameIEG Nghề Cha Mẹ IEG Global







113 lượt xem
bottom of page