top of page

(Phần 1) 5 phương pháp tâm lý giúp cha mẹ gạt đi nỗi hoang mang trong việc nuôi dạy con cái

Chúng ta thường nói về các mô hình tâm lý trong chuyện kinh doanh, đầu tư và sự nghiệp. Nhưng chúng cũng có thể giúp ích cho các lĩnh vực khác, như nuôi dạy con cái. Dưới đây là 5 mô hình dựa trên nguyên tắc mà cha mẹ có thể áp dụng cho chính gia đình của mình, trong mọi hoàn cảnh và với mọi trẻ.

Chỉ vài ngày trước, tôi nhìn thấy một đứa trẻ 3 tuổi đi lang thang vào lúc 10 giờ 30 tối và tự hỏi liệu nó bị lạc hay bị khó ngủ. Cha mẹ của em đến và giải thích rằng họ tin vào việc trẻ tự đặt giờ ngủ cho mình.


Khá thú vị.

Vấn đề với cách tiếp cận này là nó có thể có tác dụng hoặc cũng có thể không. Phương pháp đó có thể phù hợp với người con cả, nhưng không phù hợp với bạn út. Và ở đó có những vấn đề của phần lớn các lời khuyên nuôi dạy con cái tràn lan trên mạng. Hoàn toàn là các mẹo, chẳng có nguyên tắc gì.


Gần như không có chủ đề nào nêu ra hàng loạt lời khuyên nhiều bằng chủ đề nuôi dạy con cái. Vấn đề là, cho dù những lời khuyên đó nghe tốt đến đâu, nó có thể không hiệu quả với con chúng ta. Việc nuôi dạy con cái có thể được coi là tình huống mà "bản đồ không định hình đúng lãnh thổ". Có rất nhiều “bản đồ” dưới dạng tập hợp những lời khuyên ngoài kia, và thường khi cha mẹ cố gắng sử dụng chúng để “định vị trong lãnh thổ” của con trẻ, chính cha mẹ có thể sẽ bị lạc và nhầm lẫn. Trong các tình huống khác, khi bản đồ không khớp với lãnh thổ nữa, tốt hơn hết phụ huynh nên “quẳng” ngay nó đi và chú ý đến những gì chúng ta đang trải qua ngay trên mặt đất này. Vùng đất này mới chính là thực tế.


Tất cả phụ huynh chúng ta đều đã đối mặt với những hành vi có vẻ phi logic của con. Điẻn hình như việc cố để con ngủ suốt đêm, thường được coi là thử thách đầu tiên và quan trọng nhất. Cha mẹ có ngủ bên cạnh con và từ từ “lẻn” ra khỏi phòng không? Ta có để con khóc tới khi ngủ thiếp đi không? Ta có cho con ngủ trên giường của cha mẹ không? Phụ huynh có cho trẻ ăn theo con muốn, hay cứ để con nhịn đến sáng? Ta mở nhạc nhẹ hay không nhạc? Có vô vàn những sự lựa chọn, và mỗi lựa chọn đều được “hậu thuẫn” bởi một cuốn sách được nghiên cứu kỹ lưỡng.


Hễ khi nào có đứa con thứ được sinh ra, vấn đề thường trở nên trầm trọng hơn. Cha mẹ sẽ làm theo những gì hiệu quả ngay từ lần đầu tiên, bởi vì nó đã hiệu quả, nhưng “lần đầu tiên” tiếp theo này thì khác. Bây giờ chính phụ huynh đang ở trong một cuộc chiến về ý chí và thật khó để thay đổi chiến thuật của bản thân mình vào lúc 3 giờ sáng. Việc nuôi dạy con cái thường là việc lặp lại quá trình này: những ý tưởng ta nghĩ mọi thứ nên diễn ra như thế nào, kết hợp với kinh nghiệm của riêng mình, rồi bị ngụp lặn trong vô vàn lựa chọn và tình trạng kiệt sức kéo dài.

Đây là nơi mà các mô hình tâm lý có thể hữu ích. Như trong bất kỳ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống của chúng ta, việc phát triển một số nguyên tắc hoặc phương pháp mà cho ta thấy cách thế giới hoạt động cũng sẽ cung cấp cho ta các lựa chọn giữa các giải pháp hữu ích và phù hợp. Phương pháp về tinh thần là những công cụ tuyệt vời có thể được áp dụng trong cuộc sống của chúng ta. Dưới đây là năm mô hình dựa trên nguyên tắc mà có thể áp dụng cho hầu hết mọi gia đình, trong mọi hoàn cảnh hoặc với mọi trẻ. Đây là những điều cá nhân tôi sử dụng thường xuyên, nhưng đừng để điều này hạn chế chúng ta, rất nhiều mô hình khác cũng có thể có hiệu quả tương đương khi áp dụng!


1. Sự thích nghi và điều chỉnh


Thích nghi là một khái niệm từ sinh học tiến hóa. Định nghĩa này mô tả sự phát triển của các đặc điểm di truyền liên quan đến biểu hiện của chúng trong một môi trường cụ thể, nghĩa là, liên quan đến sự tồn tại của sinh vật khi đối mặt với áp lực cạnh tranh. Như Geerat Vermeij giải thích trong cuốn “Tự nhiên: Lịch sử nền kinh tế” (Nature: An Economic History), “Thích ứng thực chất lại rất tốt. Nó không cần phải là thứ tốt nhất. Sự thích nghi phụ thuộc vào bối cảnh”.


Về phương diện nuôi dạy con cái, đây là một mô hình quan trọng: mô hình mà cha mẹ có thể sử dụng để ngừng chỉ trích bản thân về những sai lầm không thể tránh khỏi trong việc nuôi dạy con cái, để thoát ra khỏi sự so sánh vô nghĩa với bạn bè đồng trang lứa và cho phép chúng ta có thể tự do thay đổi tùy thuộc vào tình huống mà ta gặp phải.


Các loài vật cũng thích nghi. Đó là đặc điểm cốt lõi của thuyết tiến hóa - khả năng tồn tại và phát triển của một loài trong điều kiện môi trường thay đổi. Vậy tại sao không áp dụng ý tưởng sinh học cơ bản này vào việc nuôi dạy con cái? Con người chúng ta thường coi thay đổi là một điểm yếu. Bậc phụ huynh đôi lúc chắc nịch rằng nếu ta không hoàn toàn nhất quán với con cái, chúng sẽ lớn lên trở thành những người yếu kém. Hoặc cha mẹ tự tạo áp lực cho chính mình phải trở nên hoàn hảo, rồi phải phấn đấu cho một lý tưởng đòi hỏi một ngàn đầu việc và cả sự hy sinh mà thực tế có thể hiệu quả ngược cho thành công cuối cùng của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.


Bậc làm cha mẹ có thể thoát ra khỏi lối suy nghĩ này nếu ta biến "thay đổi" đơn giản thành "thích nghi". Cũng tốt nếu ta có các quy tắc ở nhà khác với ở ngoài công cộng. Cá nhân tôi luôn vô cùng biết ơn khi có cha mẹ xoa dịu một đứa trẻ đang la hét bằng một chiếc bánh quy, đặc biệt là trên máy bay hay trong nhà hàng. Họ có thể không sử dụng cùng một phương pháp đó ở nhà, nhưng chính họ đã thích nghi với các môi trường khác nhau. Cũng chẳng sao khi có hai người con mê bóng đá còn bạn thứ ba lại chơi âm nhạc. Thích nghi và điều chỉnh theo sở thích của con sẽ cho ta “lợi tức đầu tư” tốt hơn nhiều so với tất cả những bài học kia.


Hiển nhiên các mục tiêu cơ bản mà ta đặt ra cho con cái là nhất quán từ đầu đến cuối. Và khả năng thích ứng xuất hiện trong chính cách mà ta đạt được những mục tiêu đó. Hãy cho chính mình sự thoải mái để phản ứng lại các đặc điểm cá nhân của con mình bằng cách thử các hành vi khác nhau để xem cách nào hiệu quả. Và, cũng giống như sự thích nghi theo nghĩa sinh học, cha mẹ chỉ cần trở nên đủ tốt để đạt được những kết quả quan trọng đối với chính mình, không phải trở thành bậc cha mẹ “tốt nhất trần đời”.


Phần 2: https://www.nghechame.ieg.vn/post/phần-2-5-phương-pháp-tâm-lý-giúp-cha-mẹ-gạt-đi-nỗi-hoang-mang-trong-việc-nuôi-dạy-con-cái

* Nguồn: Farnam Street blog

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



bottom of page