top of page

(Phần 3) 5 phương pháp tâm lý giúp cha mẹ gạt đi nỗi hoang mang trong việc nuôi dạy con cái

Trong bất kỳ lĩnh vực nào khác trong cuộc sống của chúng ta, việc phát triển một số nguyên tắc hoặc phương pháp mà cho ta thấy cách thế giới hoạt động cũng sẽ cung cấp cho ta các lựa chọn giữa các giải pháp hữu ích và phù hợp. Phương pháp về tinh thần là những công cụ tuyệt vời có thể được áp dụng trong cuộc sống của chúng ta. Dưới đây là năm mô hình dựa trên nguyên tắc mà có thể áp dụng cho hầu hết mọi gia đình, trong mọi hoàn cảnh hoặc với mọi trẻ. Đây là những điều cá nhân tôi sử dụng thường xuyên, nhưng đừng để điều này hạn chế chúng ta, rất nhiều mô hình khác cũng có thể có hiệu quả tương đương khi áp dụng!





4. Kiểm soát khu vực trung tâm

Trong cờ vua, trung lộ là lãnh thổ then chốt mà người chơi cần nắm giữ. Như được giải thích trên Wikipedia: “Khu vực trung tâm là phần quan trọng nhất của bàn cờ vua, vì các quân từ trung lộ có thể dễ dàng di chuyển sang hai bên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, cờ thủ nghiệp dư thường thích tập trung vào quân Vua trên bàn cờ. Đây là một chiến thuật không chính xác”.


Trong việc nuôi dạy con cái, nắm quyền kiểm soát trung tâm có nghĩa là cha mẹ phải quên cố gắng kiểm soát từng hành động của con. Dù sao thì điều đó cũng là bất khả thi. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc cố gắng kiểm soát trung lộ. Thua một vài trận giao tranh ngoài rìa cũng không thành vấn đề, miễn là phụ huynh giữ vững vị trí tại khu vực mà ở đó ta có thể phản ứng kịp thời với các vấn đề xảy ra.


Đêm hôm trước, tôi và cậu bé nhà mình có lẽ đã “tham gia vào cuộc chiến” lần thứ tám trong tuần về tình trạng phòng của nó. Việc cậu bé lúc nào cũng để phòng bừa bãi khiến chẳng ai có thể bước vào trong đó cả, cộng với việc cậu mất đồ liên tục, tất cả đã tạo ra nguồn cơn bức xúc vô tận trong cả hai mẹ con. Tôi đã giải thích rằng tôi ghét mua đồ thay thế như tất hay gang tay chỉ để nhìn thấy chúng xuất hiện trong núi đồ kia vài tháng sau đó.


Vì vậy, tôi đã cáu kỉnh và lại tiếp tục “xử lý” con trai mình, và nó cảm thấy buồn và lại khóc. Khi tôi vào bếp để tìm chút bình tĩnh, tôi nhận ra rằng chiến lược của mình đã sai. Tôi tập trung vào con tốt ở phía xa ngoài rìa bàn cờ thay vì những quân cờ đang hiện diện ngay trước mặt tôi.


Suy nghĩ của tôi sau đó đã chuyển hướng như thế này: lãnh thổ (trong câu chuyện nuôi con cái) mà tôi muốn hiện diện là gì? Cứ tiếp tục sách lược này có thể sẽ cho kết quả là một căn phòng sạch sẽ. Nhưng bằng cách tập trung vào phần sân này, tôi đã hy sinh quyền kiểm soát khu trung tuyến. Cuối cùng thì cậu bé cũng sẽ tránh mặt mẹ bởi vì không ai muốn suốt ngày bị trách cứ về những khuyết điểm của mình mỗi ngày. Có đáng để giữ lại một con tốt không nếu nó khiến quân hậu bị tổn thương?


Lãnh thổ trung gian với những đứa trẻ nhà ta là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Nếu tôi muốn cậu con trai hỏi xin giúp đỡ từ cha mẹ khi cuộc sống trở nên thực sự rối ren, thì tôi cần phải tập trung vào các hành động, cách cư xử giúp tôi tạo tác động quan trọng trong mối quan hệ của tôi với con mình. Ngày nào cũng khiến cho con cảm thấy chẳng ra đâu vào đâu, chỉ vì áo sơ mi của cậu bị lẫn trong đống quần hay vì mấy tấm thẻ bài Pokemon “lung tung bành” trên sàn, sẽ chẳng giúp ích chút nào. Đừng nhầm lẫn rằng kiểm soát “khu trung tuyến” không đồng nghĩa với việc bỏ hết tất cả các quy tắc. Đây là việc bậc phụ huynh như chúng ta biết phải “đánh trận” nào, để ta có thể giữ được “khu vực trung tâm” của sự tin tưởng và tôn trọng của con mình.


5. Lật ngược tình thế

Đôi khi câu chuyện nói đến không phải là cung cấp giải pháp mà thực tế là loại bỏ các trở ngại. Nhà xã hội học Kurt Lewin nhận xét trong nghiên cứu của mình về ‘phân tích trường lực’ rằng cần có 2 yếu tố để đạt được bất kỳ mục tiêu nào: tăng cường lực đẩy và loại bỏ phản lực. Khi nói đến việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cần tự hỏi bản thân rằng chúng ta có thể làm gì nhiều hơn, và cả những gì chúng ta có thể làm ít hơn.


Khi đứa con nhỏ của cô bạn tôi thức dậy bốn lần một đêm trong 9 tháng liên tiếp, cô cảm thấy vô cùng bất lực. Gạt đi nỗi tuyệt vọng, cô quyết định lật ngược lại vấn đề. Cô ấy đã thử đủ các mẹo và kĩ thuật khác nhau, và nghĩ rằng liệu mình có làm gì sai hay không. Khi dường như không có gì hiệu quả, cô ấy ngừng cố gắng thêm các yếu tố như kĩ thuật mới và thay đổi cách thức của mình. Thay vào đó, cô ấy đã nhìn thẳng vào những chướng ngại vật và tìm cách loại bỏ. Có điều gì đã khiến em bé mất ngủ suốt đêm không?


Đêm đầu tiên cô làm cho căn phòng tối hơn. Chẳng có gì thay đổi. Đêm thứ hai, cô ấy làm cho phòng ấm hơn. Và cậu bé con đã ngủ suốt đêm kể từ đó. Không phải là do kỹ năng nuôi dạy con cái của cô ấy hay việc tuân thủ một triết lý về giấc ngủ của trẻ con đã khiến cậu bé con ấy thức dậy thường xuyên như vậy. Đơn giản là em bé bị lạnh mà thôi. Sau khi cô ấy xử lý chướng ngại vật đó bằng máy sưởi, vấn đề đã được giải quyết.


Là bậc cha mẹ, chúng ta rất thường làm điều này, ta cố gắng khắc phục vấn đề bằng cách đưa ra những triết lý nuôi dạy con cái mới áp vào tình huống đó. Ta nên cải thiện thế nào? Dành nhiều thời gian hơn, tiêu nhiều tiền hơn, học nhiều bài học hơn, “đủ các thứ” hơn. Nhưng thực tế thì làm ít đi cũng có thể có giá trị về tính hiệu quả như nhau. Làm như vậy, bạn có thể làm đa dạng và phong phú thêm mối quan hệ của mình với con cái.


Việc nuôi dạy con cái vốn dĩ rất phức tạp: cách thức thay đổi gần như chỉ sau một đêm. Môi trường khác nhau, tạo những đứa trẻ khác nhau. Việc tìm ra cách nuôi dạy con cái hiệu quả sẽ phải diễn ra trong bối cảnh vận động rất nhanh của cuộc sống. Một số kĩ thuật vô cùng tuyệt vời, và đôi khi có một kỹ thuật hoàn toàn phù hợp với tình huống. Nhưng khi mọi “sách lược” nuôi dạy con thất bại hoặc kinh nghiệm của ta dường như không giúp ta có định hướng rõ ràng, phương pháp tiếp cận theo kiểu mô hình tâm lý dựa trên nguyên tắc có thể cung cấp cho cha mẹ những hiểu biết để tìm ra giải pháp trong chuyện chăm con.


* Nguồn: Farnam Street Blog

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG



bottom of page