top of page

Qua đôi mắt trẻ thơ...

Tôi là một học sinh thuộc dạng top trong suốt thời tiểu học và trung học. Tôi cũng bị đình chỉ học bảy lần, lần đầu tiên vào năm lớp năm.

Mỗi lần bị đình chỉ đơn giản là vì một số vi phạm nhỏ và chẳng rõ ràng gì hoặc đôi khi là vô cùng chủ quan tư phía người lớn - do "bướng bỉnh, không nghe lời" thay vì là đánh nhau hoặc lí do gì khác. Đúng là một điều tuyệt vời khi tôi không rơi vào cảnh tù tội như rất nhiều học sinh da màu khác bị đuổi khỏi môi trường học tập do vấn đề kỷ luật. Thay vào đó, tôi may mắn nhận được học bổng toàn phần để theo học tại một trường nội trú ưu tú ở Rhode Island, xa khỏi Memphis quê nhà mình.


Hai mươi năm sau, hoàn cảnh cũng không có nhiều thay đổi: Trẻ em thuộc các nhóm bị phân biệt đối xử vẫn nằm trong nguy cơ cao bị đình chỉ học, điều có thể đẩy chúng vào lối mòn từ trường học đến nhà tù. Nghiên cứu cho thấy rằng sự phân biệt chủng tộc này có thể là do thành kiến và thiên vị ​​— khi một học sinh cư xử không phải phép, nhiều khả năng giáo viên sẽ coi đó là một vấn đề nghiêm trọng khi bạn học sinh ấy là người da màu. Các giáo viên cũng có xu hướng coi lần vi phạm thứ hai như một thói quen của học sinh và từ đó nâng mức kỷ luật cao hơn.



Chúng ta có thể làm gì? Nhóm nghiên cứu của tôi đã tìm ra một giải pháp cho điều này chính là sự đồng cảm. Sau khi một người giáo viên thực hiện bài tập đồng cảm trong 30 phút, học sinh của thầy cô đó (đặc biệt là những học sinh thuộc các nhóm bị phân biệt đối xử) sẽ ít có khả năng bị đình chỉ học trong nhiều năm.


Đây cũng là cách chính chúng ta, trong cương vị là người lớn và là phụ huynh, có thể phát triển tư duy đồng cảm.


Đầu tiên, hãy nghĩ về lý do tại sao ta quan tâm đến những đứa trẻ. Nếu ta là một người làm giáo dục, hãy nhớ lý do tại sao mình chọn dạy trẻ em ngay từ đầu - chính là để giúp các con học hỏi, phát triển và trở thành “phiên bản” tốt nhất có thể của chúng, đặc biệt là những em có thể không nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ như các đứa trẻ khác.


Thứ hai, hãy xét tới điều gì khiến tụi nhỏ thực sự là một đứa trẻ. Hãy nhớ lại thời trẻ của chính chúng ta. Điều gì đã khiến mình có những hành vi sai trái? Bản thân mình đã khao khát có được tôn trọng từ các giáo viên đến mức nào? Hãy nghĩ cả về những thay đổi sinh học như tuổi dậy thì và phát triển cảm xúc, học cách kiểm soát và kiềm chế những nỗi lo lắng của bản thân với xã hội.


Hãy nhớ rằng những đứa trẻ phát triển khỏe mạnh khi tụi nhỏ cảm thấy được quan tâm và chăm sóc. Hãy cân nhắc xem điều này có thể đặc biệt quan trọng như thế nào đối với những học sinh đã từng bị ngược đãi trong quá khứ hoặc những em có nỗi lo về việc có thể bị đối xử bất công trong trường học. Đứa trẻ đó có thể cảm thấy thế nào trong giây phút đấu tranh nội tâm? Đây chính là cơ hội làm thế nào để người lớn đặt mục tiêu để giúp tụi nhỏ?


Ta có thể nhận ra rằng một tư duy thấu cảm khiến bản thân phải phản ứng một cách cẩn thận, kiên nhẫn và chánh niệm nhiều hơn một chút. Ta sẽ thấy sự thay đổi ở trẻ, niềm tin tưởng và tôn trọng chúng dành cho người lớn, những người thực sự quan tâm tới các em.


Đừng cho rằng những biện pháp kỷ luật cứng rắn hơn luôn dẫn đến hành vi tốt hơn.


Hãy xem xét quan điểm của lũ trẻ khi chúng xử sự. Đặc biệt là trong lúc cãi nhau nảy lửa, việc này giúp người lớn nắm rõ hơn tình hình, đưa ra hình thức kỷ luật hiệu quả và quan trọng nhất là nói với chúng rằng ta thực sự quan tâm tới chúng. Hãy trở thành sự thay đổi mà ta muốn thấy.



* Nguồn: Characterlab

* Biên dịch: Đội ngũ biên dịch Nghề Cha Mẹ - Tổ chức Giáo dục IEG

bottom of page